THỎA THUẬN CHỌN LUẬT TRONG HỢP ĐỒNG DƯỚI GÓC NHÌN TƯ PHÁP QUỐC TẾ
Trong tư pháp quốc tế, khi hợp đồng giữa các bên có thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng thì điều khoản này là cơ sở để xác định các vấn đề về hiệu lực, thực hiện hợp đồng, hình thức được công nhận của hợp đồng. Tuy vậy trên thực tế, nếu xem thỏa thuận này là một điều khoản đơn thuần thì hiệu lực của thỏa thuận này phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng, các cơ quan tài phán sẽ khó khăn khi xác định luật điều chỉnh cho hợp đồng trước khi xác định hiệu lực hợp đồng. Mặt khác, cũng không thể lựa chọn pháp luật áp dụng khác với thỏa thuận một cách tùy nghi để xác định hiệu lực của hợp đồng. Bài viết tập trung nghiên cứu về đối tượng là điều khoản thỏa thuận chọn luận áp dụng cho hợp đồng. Đồng thời nghiên cứu mối tương quan giữa hiệu lực của hợp đồng và hiệu lực của điều khoản thỏa thuận chọn luật áp dụng thông qua các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, Bộ nguyên tắc La Hay 2015 và quy định pháp luật có liên quan khác từ đó đưa ra gợi mở cho pháp luật Việt Nam về tách rời hiệu lực của điều khoản chọn luật.
Từ khóa: Điều khoản chọn luật, hiệu lực hợp đồng, tư pháp quốc tế
In international law, when a contract between the parties has an agreement to choose the law applicable to the contract, this clause is the basis for determining issues regarding the validity, performance of the contract, and recognized form of the contract. However, in reality, if this agreement is considered a simple clause, the validity of this agreement depends on the validity of the contract, and the judicial authorities will have difficulty determining the law governing the contract before determining the validity of the contract. On the other hand, it is also not possible to arbitrarily choose a law other than the agreement to determine the validity of the contract. This article focuses on the subject of the clause of the agreement on the choice of law applicable to the contract. At the same time, the correlation between the validity of the contract and the validity of the clause on the choice of law applicable through the provisions of the 2015 Civil Code, the 2015 Hague Principles and other relevant legal provisions is studied, thereby suggesting suggestions for Vietnamese law on separating the validity of the clause on the choice of law.
Keywords: Clause on the choice of law, contract validity, international justice
1. Đặt vấn đề
Hiện nay nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng tăng cao, các mối quan hệ có yếu tố nước ngoài đang dần phát triển đa dạng và phức tạp, kéo theo đó các quốc gia quan tâm nhiều hơn đến pháp luật điều chỉnh hợp đồng có yếu tố nước ngoài . Do tính đặc trưng của các hợp đồng có yếu tố nước ngoài là liên quan đến hai hoặc nhiều hệ thống pháp luật khác nhau do vậy khi ký kết, thực hiện hợp đồng thường gặp phải những vấn đề pháp lý phức tạp liên quan đến pháp luật áp dụng. Tôn trọng nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng, các bên giao kết có quyền tự thỏa thuận những vấn đề liên quan tới giao kết, nhà nước sẽ không can thiệp vào sự lựa chọn và thỏa thuận này , tuy nhiên thỏa thuận này có thể bị hạn chế trong một số trường hợp luật định.
Tại Việt Nam, Điều 664 Bộ luật Dân sự (BLDS) được xem là nguyên tắc chung để xác định pháp luật áp dụng cho các hợp đồng có yếu tố nước ngoài, theo đó tại khoản 2 Điều này quy định trường hợp pháp luật cho phép các bên thỏa thuận thì hệ thống pháp luật áp dụng được xác định theo lựa chọn của các bên . Trong khoản 2 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất.” Trong Bộ luật Hàng hải 2015 thì Điều 5 quy định: “Các bên tham gia trong hợp đồng liên quan đến hoạt động hàng hải mà trong đó có ít nhất một bên là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thì có quyền thỏa thuận áp dụng luật nước ngoài hoặc tập quán hàng hải quốc tế trong quan hệ hợp đồng và chọn Trọng tài, Tòa án ở một trong hai nước hoặc ở một nước thứ ba để giải quyết tranh chấp” . Ngoài ra các văn bản pháp luật trong lĩnh vực khác của Việt Nam cũng có quy định tương tự như vậy thể hiện quyền chọn luật của các chủ thể giao kết hợp đồng. Trừ các trường hợp bị hạn chế và “Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng” . Vấn đề quyền lựa chọn của các bên hầu hết luôn được đặt ra trong phạm vi hợp đồng. Lúc này, các bên trong hợp đồng có thể thỏa thuận áp dụng bất kỳ hệ thống pháp luật nào hoặc thậm chí là áp dụng tập quán quốc tế. Có thể nói, việc xác định hiệu lực của các thỏa thuận chọn luật áp dụng đối với hợp đồng của các bên rất quan trọng, đặc biệt khi giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng bởi vì sự tồn tại của điều khoản này ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung quyền và nghĩa vụ của các bên.
2. Tổng quan về xác định hiệu lực của điều khoản chọn luật
2.1. Khái niệm về quyền chọn luật và sự cần thiết phải có thỏa thuận chọn luật
Một trong những đặc trưng của Tư pháp quốc tế là hiện tượng xung đột pháp luật. Hiện tượng này luôn gắn liền với sự tồn tại của quan hệ mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài và sự tồn tại của ít nhất một hệ thống pháp luật nước ngoài bên cạnh pháp luật của quốc gia sở tại. Một trong những phương pháp giải quyết hiện tượng này là thỏa thuận chọn luận giữa các bên. Trong Luật La Mã vào thời kỳ đầu cộng hòa (527 trước công nguyên), nếu công pháp được áp dụng để điều chỉnh quan hệ xã hội theo ý chí nhà nước thì tư pháp hoạt động dựa trên sự công nhận ý chí của các bên chủ thể tham gia. Đương nhiên nguyên tắc tự do thỏa thuận trong pháp luật tư cũng bị hạn chế bởi quy định của pháp luật công . Chính pháp luật tư cùng các khái niệm về “tự do ý chí” đã mở đường cho lý thuyết “luật của người ký kết hợp đồng tự chọn” hay quyền chọn luật được chấp nhận áp dụng rộng rãi sau này . Đến nay, pháp luật của nhiều quốc gia cũng có quy định về quyền lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng của các bên giao kết . Đơn cử Bộ luật Tư pháp quốc tế của Thụy Sĩ năm 1987 (sửa đổi, bổ sung năm 2007) Điều 116 quy định “…hợp đồng sẽ được điều chỉnh bằng pháp luật do các bên lựa chọn”. Cũng tương tự như vậy khoản 1 Điều 36 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Liên bang Nga quy định: “Nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước do các bên lựa chọn, nếu điều đó không trái với pháp luật của các Bên ký kết”. Như vậy, tôn trọng nguyên tắc tự do hợp đồng là một nguyên tắc đặc biêt quan trọng trong thương mại quốc tế ngày nay, các chủ thể được tự do thỏa thuận, ký kết hợp đồng (Điều 1.1 của Bộ quy tắc Unidroit). Theo đó các bên tham gia quan hệ hợp đồng được quyền chọn luật áp dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong hợp đồng. Điều kiện đặt ra là luật được chọn phải ghi rõ trong hợp đồng và việc chọn luật phải thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định, đó là luật được chọn không trái với quy định của pháp luật nước mình; luật được chọn không nhằm lẩn tránh pháp luật và luật được chọn phải là luật thực chất .
Về mặt lý luận, hình thức của hợp đồng có thể được giao kết bằng văn bản, lời nói hoặc bằng hành vi, nhưng với các hợp đồng quốc tế, hợp đồng thường được giao kết bằng văn bản do đó thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng cũng được thể hiện bằng văn bản . Tuy vậy, quy định về hình thức phần lớn chỉ là ngầm hiểu giữa các bên giao kết hoặc một số quốc gia quy định, Bộ quy tắc La Hay chấp nhận hình thức của điều khoản chọn luật tương tự hình thức hợp đồng, không bắt buộc phải là văn bản. Ngoài ra trong điều khoản này, các bên giao kết hợp đồng có thể lựa chọn pháp luật của một quốc gia duy nhất, có thể lựa chọn pháp luật của nhiều quốc gia khác nhau, áp dụng cho các phần hay nội dung khác nhau của hợp đồng . Sự thỏa thuận của các bên giao kết hợp đồng cũng có thể được xác định qua tuyên bố của Tòa án, dựa vào không chỉ các thỏa thuận bằng văn bản, mà còn bằng hành vi của các bên giao kết hợp đồng, trong trường hợp thỏa thuận đó là không rõ ràng .
Về giới hạn của quyền lựa chọn pháp luật áp dụng, không phải bất kỳ sự thỏa thuận nào cũng đều được Tòa án chấp thuận khi giải quyết tranh chấp. Điều này xuất phát từ nguyên lý hiển nhiên: Quyền luôn luôn đi cùng với nghĩa vụ. Một số loại hợp đồng mà quyền chọn luật bị giới hạn có thể kể đến là hợp đồng liên quan tới giao dịch bất động sản, hợp đồng tiêu dùng,… Lý giải cho việc bị hạn chế này là để đảm bảo quyền lực của nhà nước đối với lãnh thổ quốc gia, bảo vệ người tiêu dùng là bên yếu thế hơn trong giao dịch. Ngoài ra luật của người ký kết hợp đồng tự chọn chỉ là luật nội dung hay bao gồm cả luật nội dung và luật tố tụng cũng là một vấn đề được đặt ra. Luật điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong hợp đồng hoàn toàn khác với việc các bên chọn cơ quan tài phán có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Khi vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án, thỏa thuận chọn trọng tài làm cơ quan tài phán trong trường hợp này không được công nhận.
Việc lựa chọn luật áp dụng đối với hợp đồng quốc tế quan trọng vì quyền lợi chính đáng của các bên giao kết hợp đồng sẽ được đảm bảo, vì hệ thống pháp luật được lựa chọn thường gần gũi nhất với họ, họ có thể hiểu nó rõ ràng nhất. Với cơ quan tài phán thì đây là cơ sở xem xét giá trị pháp lý của hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong trường hợp hợp đồng quy định không rõ điều gì đó . Song Song theo đó, thỏa thuận chọn luật còn đảm bảo tính ổn định khi thực hiện các hợp đồng quốc tế, hạn chế tranh chấp. Ngoài ra vì khi căn cứ vào luật áp dụng của hợp đồng đó mới xác định được hợp đồng có giá trị pháp lý hay không, nên khi tồn tại xung đột pháp luật trong hợp đồng chính điều khoản chọn luật áp dụng giúp xác định luật nào được áp dụng từ đó xem xét hiệu lực hợp đồng.
2.2. Quy định pháp luật của Việt Nam về xác định hiệu lực của thỏa thuận chọn luật
Theo pháp luật Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 683 BLDS, “Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.” Khi xảy ra tranh chấp, có thể thấy, trong một hợp đồng có thỏa thuận chọn luật thì điều khoản chọn luật là cơ sở để xác định luật điều chỉnh hiệu lực của hợp đồng vì Tòa án không thể tự mình ngay lập tức chọn một luật khác trái với ý chí của các bên. Việc xác định hiệu lực của điều khoản này cũng phải tuân thủ những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, thỏa thuận này cũng có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, không quan trọng việc thỏa thuận được lập trước hay cùng lúc hay sau khi hợp đồng chính giữa các bên được ký kết. Nhìn chung, có thể khẳng định các quy định về điều kiện hay thời điểm có hiệu lực của hợp đồng đều có thể áp dụng cho thỏa thuận chọn luật. Vấn đề lớn nhất của việc áp dụng một thỏa thuận chọn luật là nếu xem hiệu lực của điều khoản này là một phần không thể tách rời của hợp đồng, thì tòa án không thể áp dụng thỏa thuận này cho đến khi toàn bộ hợp đồng được xác định có hiệu lực, vì điều khoản này chỉ có hiệu lực khi hợp đồng có hiệu lực.
2.3. Hậu quả của việc thiếu nguyên tắc xác định hiệu lực của thỏa thuận chọn luật ở Việt Nam
Điều khoản chọn luật là cơ sở để xác định hệ thống luật áp dụng đối với toàn bộ phần còn lại của hợp đồng nên bản thân hiệu lực của điều khoản này cần được xem xét khác biệt so với nội dung khác của hợp đồng. Bên cạnh đó, liệu thỏa thuận này có chấm dứt khi hợp đồng chấm dứt, bị hủy bỏ hoặc vô hiệu? Pháp luật Việt Nam đã bỏ ngỏ vấn đề bởi Điều 664 và Điều 683 của BLDS liên quan trực tiếp đến thỏa thuận chọn luật trong hợp đồng chỉ đề cập các bên có quyền chọn luật mà không đặt ra bất kỳ một nguyên tắc nào khác để xác định hiệu lực của điều khoản này. Tòa án không thể áp dụng thỏa thuận này cho đến khi toàn bộ hợp đồng được xác định có hiệu lực nếu xem hiệu lực của điều khoản này là một phần của hợp đồng, vì điều khoản này chỉ có hiệu lực khi hợp đồng có hiệu lực. Mặt khác nếu hợp đồng hay điều khoản chọn luật áp dụng bị vô hiệu thì pháp luật được áp dụng có thể ngược lại với ý chí thỏa thuận luật áp dụng ban đầu giữa các bên.
Thực tiễn vấn đề trên đã được thể hiện tại bản án số 74/2009/KDTM-PT ngày 12/6/2009 . Một công ty Việt Nam (nguyên đơn) đã ký kết với một công ty Đức có văn phòng đại diện tại Việt Nam (bị đơn) hợp đồng mua sơn trong đó có điều khoản quy định:“ mọi tranh chấp sẽ do trọng tài phân xử (Trọng tài Hamburger Freundschaflliche) và luật của Đức sẽ được áp dụng cho mọi tranh chấp”. Tuy nhiên sau đó, nguyên đơn lại khởi kiện tại tòa án và bị đơn cũng không khiếu nại về thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Do vậy, cả tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm đều cho rằng thỏa thuận chọn luật áp dụng đã bị thay thế, và luật Việt Nam đã được tòa áp dụng để điều chỉnh nội dung của hợp đồng thay vì luật Đức như thỏa thuận trong hợp đồng. Có thể thấy, tòa án đã xem xét thỏa thuận chọn luật nội dung một cách không độc lập với thỏa thuận chọn cơ quan giải quyết tranh chấp vì thỏa thuận chọn luật nằm trong điều khoản trọng tài nên khi điều khoản trọng tài không còn hiệu lực thì thỏa thuận chọn luật cũng bị chấm dứt. Tuy nhiên, việc lựa chọn luật áp dụng được các bên thỏa thuận cùng với chọn trọng tài là cơ quan giải quyết trong một điều khoản hay được tách ra một điều khoản riêng biệt thì chúng vẫn phục vụ những mục đích khác nhau. Thỏa thuận chọn luật nội dung vẫn mang bản chất khác với phần còn lại của hợp đồng. Do đó, việc xác định luật áp dụng cho hợp đồng mà không tính đến ý chí của các bên có thể dẫn đến sự không chắc chắn về mặt pháp lý.
3. Điều khoản chọn luật áp dụng trên thế giới
Dựa trên nguyên tắc tự do hợp đồng, một thỏa thuận chọn luật được xem như bao thỏa thuận khác, chính là ý chí các bên giao kết cần được tôn trọng bởi vì “quyền tự do hợp đồng chiếm ưu thế trong giao dịch” . Tách rời hiệu lực của điều khoản chọn luật với hợp đồng để xem xét điều khoản này một cách độc lập có thể là một cách giải quyết nhằm tôn trọng thỏa thuận của các bên giao kết khi mà thỏa thuận chọn luật đó hợp pháp.
3.1. Khả năng tách rời hiệu lực của điều khoản chọn luật trong hợp đồng
Về khả năng tách rời của thỏa thuận chọn luật tố tụng, tòa án Thụy Sĩ cho rằng “ngay cả khi nó được kết hợp trong một tài liệu với hợp đồng chính…, thì nó không xuất hiện dưới dạng một điều khoản riêng lẻ đơn thuần, mà là một thỏa thuận độc lập” với lý do thỏa thuận lựa chọn trọng tài là một điều khoản về thủ tục tố tụng, không phải điều khoản điều chỉnh nội dung của hợp đồng dựa trên luật dân sự khác. Do vậy, khi hợp đồng bị vô hiệu không thể tự động dẫn đến sự vô hiệu của thỏa thuận lựa chọn trọng tài làm cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp. Tòa án Thụy Sĩ đã tìm ra một điểm khác biệt trong thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận thực chất khác của hợp đồng, từ đó tách rời hiệu lực của thỏa thuận trọng tài.
Khả năng tách rời của thỏa thuận chọn luật nội dung áp dụng thì Singapore đã giải quyết theo hướng điều khoản về chọn luật phải được xác định ngay từ đầu chứ không phải cùng lúc với việc xác định hiệu lực của hợp đồng vì đây là hai vấn đề riêng biệt. Bởi điều khoản về chọn luật nội dung chỉ xác định không gian pháp lý của hợp đồng, là nền tảng cơ bản đối với các câu hỏi liên quan đến việc hình thành, hiệu lực, giải thích và thực hiện hợp đồng chứ không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên.
Tại Mỹ, khả năng tách rời của thỏa thuận chọn luật không giống nhau giữa các bang do vấn đề pháp lý này chưa được giải quyết thống nhất bằng một văn bản pháp luật cụ thể, thêm vào đó Mỹ là quốc gia theo hệ thống Thông luật, các thẩm phán, tòa án linh động giải quyết các vụ việc do vậy phát sinh nên các quan điểm khác nhau.
Điển hình Quận phía Tây của Pennsylvania ở Mỹ, vụ kiện giữa công ty sản xuất thực phẩm HJ Heinz (HJ, bị đơn) và công ty bảo hiểm Starr Surplus Lines (Starr, nguyên đơn) . Trong vụ kiện này, HJ đã mua bảo hiểm từ Starr cho những tổn thất phát sinh do sản phẩm bị thu hồi bởi yêu cầu từ chính phủ. Các bên chọn luật New York là luật điều chỉnh hợp đồng. Sau khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, sản phẩm của HJ bị thu hồi, biết rằng thức ăn trẻ em do họ sản xuất ở Trung Quốc bị nhiễm chì. Công ty đã thông báo cho Starr về những tổn thất này, sau kiểm tra Starr phát hiện HJ đã che giấu nhiều thông tin quan trọng khi giao kết hợp đồng. Do vậy, Starr đã từ chối chi trả bảo hiểm và yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng. Tuy nhiên họ lại yêu cầu tòa án áp dụng luật New York theo như thỏa thuận chọn luật trong hợp đồng để giải quyết tranh chấp. Trong vụ việc này tòa án đã không áp dụng luật New York theo điều khoản chọn luật vì điều khoản chọn luật là một phần của hợp đồng, nếu hợp đồng bị vô hiệu thì điều khoản chọn luật bị vô hiệu, do vậy pháp luật nơi có mối liên hệ gắn bó nhất là luật bang Pennsylvania được áp dụng.
Nhưng cách xác định luật áp dụng của tòa án lại khác tại bang Florida, Mỹ. Trong vụ kiện giữa Mazzoni Farms (nguyên đơn) đã ký kết với DuPont (bị đơn) hợp đồng mua bán thuốc diệt nấm cho các vườn ươm trong đó có một điều khoản chọn luật của bang Delaware là luật điều chỉnh hợp đồng. Tuy nhiên DuPont sau đó đã bị cáo buộc là loại thuốc diệt nấm của họ bán dẫn đến việc các cây trồng bị hủy hoại, họ biết trước sản phẩm của họ bị lỗi do DuPont đã kiểm tra thực nghiệm trên các cánh đồng từ trước. Tuy nhiên, bị đơn vẫn tiếp tục thực hiện việc mua bán, bất chấp hậu quả xảy ra. Với đợt kiểm tra thực nghiệm trước đó, DuPont đã yêu cầu tất cả những người tham gia phải ký một điều khoản bảo mật về thông tin kết quả thử nghiệm để nhầm che giấu việc phần lớn cây trồng bị chết sau khi dùng thuốc diệt nấm. Do vậy, các vườn ươm đã khởi kiện DuPont vì cho rằng DuPont đã lừa dối họ tham gia vào hợp đồng. Để giải quyết vụ kiện, tòa án Florida đã đặt ra một câu hỏi rằng khi một bên trong hợp đồng khẳng định họ đã bị lừa dối tuy nhiên hợp đồng có chứa điều khoản chọn luật, tòa án có nên giải quyết theo luật các bên đã chọn là luật Delaware, hay thay vào đó là theo một luật hiện hành khác của bang Florida? Nói cách khác, hợp đồng có yếu tố lừa dối thì có thể bị vô hiệu. Nếu hợp đồng vô hiệu thì thỏa thuận chọn luật có còn hiệu lực hay không hay tòa án phải tự mình chọn một luật khác theo nguyên tắc của tư pháp quốc tế để giải quyết hậu quả của hợp đồng có yếu tố lừa dối này. Phán quyết của vụ việc này sau hai đợt kháng cáo nghiêng về việc công nhận tính độc lập của thỏa thuận chọn luật . Lý giải cho phán quyết, tòa án Florida đã lập luận rằng vì luật của bang không đủ rộng để điều chỉnh mối quan hệ của hợp đồng, các bên đã thực hiện đúng hợp đồng và bên bị thiệt hại đã áp dụng kịp thời biện pháp khắc phục hậu quả theo luật Delaware như thỏa thuận. Điều này dẫn đến việc công nhận hiệu lực hợp đồng, hay nói cách khác là chính việc công nhận hiệu lực thỏa thuận lựa chọn luật Delaware trước mà hợp đồng có hiệu lực .
Các giải quyết tại các tòa có sự khác nhau tuy nhiên phần lớn các thẩm phán sẽ chọn luật áp dụng là luật mà các bên đã thỏa thuận với cách lý giải rằng điều khoản thỏa thuận luật áp dụng là một thỏa thuận độc lập so với hợp đồng chính . Thỏa thuận chọn luật sẽ có hiệu lực độc lập, trừ trường hợp có gian lận, lừa dối khi giao kết hợp đồng liên quan trực tiếp đến thỏa thuận chọn luật, có nghĩa là bên có lợi ích nhiều hơn đã gian lận, lừa dối bên yếu thế hơn trong việc chọn luật điều chỉnh hợp đồng.
3.2. Quy định của Bộ nguyên tắc La Hay 2015 về khả năng tách rời hiệu lực của điều khoản chọn luật
Tại Châu Âu, khả năng tách rời hiệu lực của điều khoản chọn luật còn được công nhận một cách phổ biến hơn. Cụ thể, Quy tắc Rome I quy định việc lựa chọn pháp luật cho hợp đồng tại Liên minh châu Âu thể hiện sự tách biệt của điều khoản chọn luật bằng cách quy định việc xác định hiệu lực của thỏa thuận này ở một điều khoản riêng, không phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng . Theo sau đó, khoản 1 Điều 10 Công ước La Hay 1986 quy định tương tự Quy tắc Rome I . Bộ nguyên tắc La Hay 2015 đã phát triển quy định trên một cách đầy đủ và cụ thể hơn khả năng tách rời của điều khoản chọn luật như sau: “Một lựa chọn pháp luật áp dụng không thể bị phản đối chỉ vì lý do rằng hợp đồng mà nó áp dụng không có hiệu lực”. Có thể hiểu rõ hơn là nếu hợp đồng chính có bị vô hiệu theo luật đã chọn, điều khoản chọn luật cũng sẽ không vô hiệu. Trường hợp hợp đồng đã bị tuyên vô hiệu, các tòa án không nên cố gắng áp dụng thêm luật nào để làm hợp đồng có hiệu lực . Và để được công nhận tính độc lập, điều khoản thỏa thuận chọn luật cần lưu ý một số đặc điểm:
Thứ nhất, đối với hợp đồng tiêu dùng hay lao động thì Bộ nguyên tắc không áp dụng, cũng như khi hợp đồng điều chỉnh với các vấn đề năng lực của cá nhân, thỏa thuận lựa chọn cơ quan tài phán, hậu quả về tài sản của hợp đồng, phá sản .
Thứ hai, điều khoản lựa chọn pháp luật có thể áp dụng chỉ với một phần hoặc toàn bộ hợp đồng . Với trường hợp lựa chọn luật áp dụng cho một phần của hợp đồng, các phần khác nhau trong một hợp đồng có thể được các bên thỏa thuận lựa chọn áp dụng nhiều hệ thống pháp luật khác nhau . Bất kỳ thời điểm nào, việc chọn luật áp dụng có thể được thực hiện hoặc thay đổi. Đồng thời quyền lợi của bên thức ba hay hiệu lực trước đó không bị ảnh hưởng khi một thay đổi hoặc lựa chọn được đưa ra. . Bộ nguyên tắc này không ràng buộc hình thức của thỏa .
Ngoài ra, Công ước La Haye 1955 cũng đã có quy định về tinh thần về luật thực chất phải là luật giải quyết vấn đề khi các bên chọn luật áp dụng điều chỉnh cho quan hệ hợp đồng, không chấp nhận dẫn chiếu đến luật nước khác. Quan điểm đồng tình với việc chỉ chọn quy phạm thực chất làm luật áp dụng khi thỏa thuận. Thật vậy, “khi chọn luật áp dụng để chi phối quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng, thông thường các bên chỉ chọn quy phạm thực chất mà không chọn các quy phạm xung đột. Do đó, chấp nhận dẫn chiếu sẽ đi ngược lại ý chí của các bên trong hợp đồng vì chấp nhận dẫn chiếu là chấp nhận sự chỉ dẫn của quy phạm xung đột nước ngoài. ”
4. Kết luận và gợi mở cho pháp luật Việt Nam
Pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ quy định về xác định tính hiệu lực của điều khoản chọn luật, điều này làm cho quá trình giải quyết tranh chấp về yêu cầu vô hiệu các hợp đồng quốc tế có thỏa thuận chọn luật gặp nhiều khó khăn. Đôi khi tòa án sẽ áp dụng luật khác với điều khoản chọn luật để giải quyết dẫn đến phán quyết của tòa đi ngược lại với tinh thần giữa các bên giao kết hợp đồng ban đầu.
Tham khảo mặt tích cực từ quy định tại Bộ nguyên tắc La Hay 2015, phân biệt hiệu lực của hợp đồng và hiệu lực của thỏa thuận chọn luật là độc lập. Xây dựng quy định pháp luật theo hướng này thể hiện rất cụ thể sự độc lập của hai đối tượng có bản chất khác biệt và có tinh thần tương đồng với một quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam là quy định về tính độc lập của thỏa thuận trọng tài . Tác giả kiến nghị pháp luật Việt Nam nên bổ sung tại khoản 1 Điều 683 của Bộ luật Dân sự 2015 theo hướng: “Thỏa thuận chọn luật hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận lựa chọn pháp luật áp dụng”. Bổ sung như này sẽ nâng cao hiệu quả xét xử các tranh chấp về hợp đồng có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời tránh được vòng lặp pháp lý của việc vô hiệu và có hiệu lực đối với điều khoản chọn luật đó.
Nguyễn Ngọc Như Mai
(14.4.2025)
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Danh mục văn bản pháp luật
Văn bản pháp luật Việt Nam
1. Bộ luật Dân sự 2015
2. Luật Trọng tài thương mại 2010
Văn bản pháp luật nước ngoài
3. Quy định (EC) số 593/2008 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu ngày 17 tháng 6 năm 2008 về luật áp dụng cho các nghĩa vụ hợp đồng (Rome I).
4. Công ước La Hay 1986 về Luật áp dụng cho Hợp đồng Mua bán Hàng hóa Quốc tế.
5. Bộ Nguyên tắc La hay 2015 về Chọn luật trong hợp đồng thương mại quốc tế.
2. Danh mục các tài liệu tham khảo
2.1. Tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt
Sách, tạp chí
6. “Bùi Thị Thu (2005), “Một số vấn đề về chọn luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế theo Công ước ROME 19/6/1980 về Luật áp dụng đối với nghĩa vụ hợp đồng” 11 Tạp chí Nhà nước và Pháp luật 70.”
7. “Đỗ Văn Đại, Mai Hồng Quỳ, “Tư pháp quốc tế Việt Nam”, NXB. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr.129”
8. “Nguyễn Minh Tuấn ()chủ biên; Vương Thanh Thúy,… (2016), “Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015”, Hà Nội, NXB: Tư pháp”.
Luận văn, luận án
9. “Phan Hoài Nam, “Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài tại tòa án Việt Nam” (Luận án Tiến sĩ luật học, ĐH Luật Thành phố Hồ Chí Minh 2018)”
Nguồn điện tử
10. “Cao Xuân Phong (2020), “Lựa chọn luật áp dụng trong hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài”, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, tại: <https://danchuphapluat.vn/lua-chon-luat-ap-dung-trong-hop-dong-thuong-mai-co-yeu-to-nuoc-ngoai>”(Truy cập ngày 15/07/2024)”
2.2. Tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh
Bản án
11. “B–S Steel of Kansas, Inc. v. Texas Industries, Inc. [2006] 10th Cir. 439 F.3d 653, 661; Trans-Tec v. Harmony [2008] 9th Cir. 518 F.3d 1120, 1124”
12. “CIC Group, Inc. v. Mitchell. [2013] No. 5:2010cv02885 – Document 99 (N.D. Ohio 2013)”
13. “H.J. Heinz Co. v. Starr Surplus Lines Insurance Co.[2017] No. 16-1447, 2017 WL 108006”
14. “Mazzoni Farms, Inc. v. E.I. DuPont de Nemours & Co. [2000] 166 F.3d 1162 (11th Cir. 1999)”
15. “Morplay Mgmt. v. Castro [2022] N.Y. Slip Op. 30467 (N.Y. Sup. Ct. 2022)”
16. “Tobler v. Justizkommission Des Kantons Schwyz [1933] Swiss Fed. Trib. DFT 59 I 177”
Sách, tạp chí
17. “Adeline CHONG, “Choice of law for void contracts and their restitutionary aftermath: The putative governing law of the contract”, Paula Giliker (biên tập), Re-Examining Contract and Unjust Enrichment: Anglo-Canadian Perspectives (NXH BRILL 2007).”
18. “Symeon Symeonides (2018), “Choice of Law in the American Courts in 2017: Thirty-First Annual Survey”, 66 American Journal of Comparative Law 1.”
19. “Từ điển Black Law Dictionary, Sixth Edition, West Publishing Co, 1990.”
20. “George Zaphiriou, ‘Choice of Forum and Choice of Law Clauses in International Commercial Agreements’ (1978) 3 Maryland Journal of International Law 311.”
Nguồn điện tử
21. “Marcus Teo (2018), “Floating/Invalid Choice of Law Clauses in Context: Shanghai Turbo Enterprises Ltd v Liu Ming [2018] SGHC 172” Singapore Law Blog <https://www.singaporelawblog.sg/blog/article/220> (truy cập ngày 22/07/2024)